Hơn 310 nghìn tỷ đồng cam kết đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2024
Hội nghị x#250;c tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2024 ch#237;nh thức khai mạc v#224;o s#225;ng 03/10/2024 nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh v#224; định hướng ph#225;t triển theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre đ#227; được ph#234; duyệt. Hơn 310.000 tỷ đồng cam kết đầu tư v#224;o Bến Tre với 6 dự #225;n v#224; 23 thỏa thuận hợp t#225;c được k#253; kết...
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2024 chính thức khai mạc vào sáng 03/10/2024 nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre đã được phê duyệt. Hơn 310.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Bến Tre với 6 dự án và 23 thỏa thuận hợp tác được ký kết...
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024 vừa diễn ra có chủ đề “Bến Tre - Tầm nhìn hướng đông và tiềm năng phát triển bền vững”. Tại hội nghị, 6 dự án đã được trao chứng nhận đầu tư với tổng vốn 7.985 tỷ đồng, và 23 thỏa thuận hợp tác (MoU) với tổng vốn cam kết 303.125 tỷ đồng.
ĐIỂM SÁNG THU HÚT ĐẦU TƯ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết với khát vọng và quan điểm phát triển “dựa vào nội lực là nền tảng, cơ bản, lâu dài và ngoại lực là quan trọng, đột phá”, Bến Tre đã xây dựng và hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023. Hội nghị lần này nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho rằng đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên phát triển mạnh về hướng đông với điểm nhấn là tuyến đường bộ ven biển Miền Tây. “Tuyến đường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc kết nối giao thông liên hoàn từ TP.HCM - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau, thuộc Quy hoạch mạng lưới đường bộ và Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Tam nhấn mạnh.
“Điểm nhấn” thể hiện khát vọng phát triển, tầm nhìn chiến lược của Bến Tre, theo người đứng đầu chính quyền tỉnh là khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000 ha nhằm mở rộng không gian phát triển và phát triển mạnh kinh tế biển với các đột phá về công nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản công nghệ cao, kinh tế hàng hải, dịch vụ, du lịch và đô thị xanh,...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình biểu dương nhân dân và chính quyền tỉnh Bến Tre, trong đó về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng trong “Top” đầu cả nước, như năm 2023 xếp thứ 7/63 tỉnh, thành. Phó thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy các lợi thế, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm kích hoạt các lĩnh vực giàu tiềm năng của địa phương như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vận tải biển, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến…
Phó thủ tướng nhấn mạnh: Ban lãnh đạo tỉnh Bến Tre đoàn kết, tâm huyết, có tầm nhìn và phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững, luôn thân thiện và đồng hành với doanh nghiệp; đồng thời mong muốn thu hút được nhiều nhà đầu tư, trải thảm chào đón doanh nghiệp có tiềm lực, có kinh nghiệm đến với Bến Tre. Có thể khẳng định “đây thực sự là một hệ thống chính trị thân thiện, kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.
LẤN BIỂN 50.000 ĐỂ PHÁT TRIỂN VỀ HƯỚNG ĐÔNG
Sáu dự án được trao chứng nhận đầu tư với tổng vốn gần 8.000 tỷ đồng tập trung ở các lĩnh vực về phát triển đô thị, chế biến dừa, xử lý nước thải. Đó là các dự án: Ba khu đô thị mới đông bắc Phú Khương, khu đô thị Mỹ An, khu đô thị Mỹ Hóa; dự án nhà máy giấy tại cụm công nghiệp Long Phước, công suất 1.000 tấn/ngày; nhà máy chế biến dừa Á Châu 2, công suất 30 triệu lít/năm; nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp Long Phước, công suất 15.000 m3/ngày đêm.
Cùng với đó, 23 nhà đầu tư cam kết hợp tác triển khai thực hiện dự án với tổng số vốn đầu tư dự kiến đăng ký khoảng 303.125 tỷ đồng; và tỉnh đã trao bản ghi nhớ cam kết hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư này.
Tỉnh Bến Tre đã quy hoạch 3 vùng kinh tế. Bao gồm: 1/ Vùng kinh tế động lực ven biển phía đông tại các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Phương án là sẽ đầu tư khu lấn biển 50.000 ha để mở rộng không gian phát triển; trong đó ưu tiên cho các ngành công nghiệp, năng lượng sạch và nuôi trồng thủy sản. 2/ Vùng bắc sông Hàm Luông gồm thành phố Bến Tre, hai huyện Châu Thành và Giồng Trôm tập trung phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp. 3/ Vùng nam sông Hàm Luông gồm các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái.
Bến Tre là một trong 28 địa phương trong cả nước giáp biển, có các trục quốc lộ 60 và 57 (57, 57B, 57C), tuyến đường bộ ven biển Miền Tây, tuyến đường thủy nội địa, kết nối với các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long cùng các địa phương khác vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này dự kiến đạt 10 - 10,5%/năm.
Quy hoạch tỉnh Bến Tre đặt ra mục tiêu lấn biển 50.000 ha để phát triển đô thị biển; khu công nghiệp và các ngành kinh tế biển khác; xây dựng cảng biển loại 2 để phát triển dịch vụ logistics và du lịch; phát triển năng lượng sạch và năng lượng mới trên khu vực này; phát triển 4.000 ha nông nghiệp công nghệ cao; khai thác và phát triển các ngành kinh tế truyền thống như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Vùng lấn biển này được xác định là vùng kinh tế động lực ven biển phía đông Ba Tri – Bình Đại – Thạnh Phú nói trên.
Thời gian qua, Bến Tre đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh. Từ kết quả của những nỗ lực trên, năm 2023, PCI tỉnh Bến Tre xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành trong bảng xếp hạng cả nước và đứng thứ 3 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng 6 bậc so với năm 2022 và nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt của cả nước. Trong đó, chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của Bến Tre xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng cả nước.
Thống kê, tính đến tháng 9/2024, Bến Tre có 262 dự án, tổng vốn đăng ký 59.590 tỷ đồng, 68 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 1.659 triệu USD. Toàn tỉnh có 6.384 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 77 ngàn tỷ đồng; trong đó có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 59 ngàn tỷ đồng; có 198 hợp tác xã với tổng vốn điều lệ 336,63 tỷ đồng.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh Bến Tre phải nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, đổi mới nhận thức, tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện, đề nghị các đồng chí thực hiện tốt các trọng tâm như bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; gắn với việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh…
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhận định rằng với chủ trương đúng đắn, khắc phục phát triển của lãnh đạo nền hành chính thông thoáng, thân thiện; người Bến Tre năng động, sáng tạo và cần cù; hạ tầng kinh tế thuận lợi, kết nối chặt chẽ tiềm năng về năng lượng, nông nghiệp; du lịch sinh thái đang chờ đợi tạo dư địa phát triển rộng mở, tất cả đã làm cho môi trường Bến Tre trở nên hấp dẫn.
-Xuân Thái