Ngành xi măng tìm cách gỡ khó
Dây chuyền sản xuất xi măng Vicem. Ảnh: Trần DũngNguy cơ phá sảnPhó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) Nguyễn Thanh Tùng thông tin, trong những tháng đầu năm 2024, ngành xi măng vẫn chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu khi thị trường bất động sản chưa có dấu The post Ngành xi măng tìm cách gỡ khó first appeared on Ximang.org - Diễn đàn xi măng Việt Nam.
Nguy cơ phá sản
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) Nguyễn Thanh Tùng thông tin, trong những tháng đầu năm 2024, ngành xi măng vẫn chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các dự án đầu tư công triển khai chậm, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu; việc áp dụng cầu cạn cao tốc bằng bê tông cốt thép còn hạn chế, giải pháp sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được áp dụng; giá nguyên, nhiên liệu cho đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao…
Kênh xuất khẩu cũng thu hẹp lại khi Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất xi măng, clinker Việt Nam hiện cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu, xi măng Việt càng khó cạnh tranh. Tuy nhiên, giá xuất khẩu clinker hiện rất thấp, chỉ 31 – 32 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm trước 38 – 39 USD/tấn. Cạnh tranh nội bộ giữa các DN tại nội địa gay gắt, bán dưới giá thành sản xuất, tạo áp lực càng lớn trong tiêu thụ của các DN thuộc VICEM.
Những nguyên nhân trên khiến tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Với loạt khó khăn đó, các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận của VICEM nửa đầu năm đều không đạt. Sản lượng sản xuất clinker 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng Công ty đạt 7,63 triệu tấn, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng đó, tổng sản phẩm tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11,45 triệu tấn, bằng 47,6% kế hoạch năm 2024 và tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó tiêu thụ xi măng đạt 9,86 triệu tấn, bằng 45,6% kế hoạch năm 2024 và giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu 6 tháng mới đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 547 tỷ đồng, giảm 20,9% so với cùng kỳ.
Không chỉ có VICEM, mà một số DN xi măng lớn như Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai… đang thua lỗ. Như Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn quý I/2024 ghi nhận doanh thu thuần 690 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và lỗ ròng gần 49 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 47 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của DN (từ quý III/2022).
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng đang gặp một số khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đưa nhiều DN đến mức phá sản hoặc phải bán một phần cho nước ngoài. Giai đoạn này, ngành xi măng đang chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong nước kém.
Tiêu thụ nội địa rất yếu do các dự án đầu tư công triển khai còn chậm; các dự án xây dựng đường giao thông vẫn sử dụng công nghệ truyền thống; thị trường nhà ở, bất động sản dường như đóng băng; tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp.
Bên cạnh đó, các yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt giá than. Sự tăng giá năng lượng kéo theo tăng giá vận tải, trong khi chi phí vận tải của ngành xi măng ảnh hưởng lớn đến giá thành và giá bán sản phẩm. Mặt khác, DN xi măng trong nước đang phải chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 01/01/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.
Tìm cách tháo gỡ
Đối với ngành xi măng, hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm (trong đó, có 4 dây chuyền với tổng công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm đã đầu tư xong nhưng chưa đưa vào vận hành, do không tiêu thụ được sản phẩm).
Các dây chuyền đầu tư từ năm 2011 đến nay đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, có những dây chuyền sản xuất xi măng hiện đại nhất trên thế giới như dây chuyền 2 và dây chuyển 3 nhà máy Xi măng Xuân Thành, tỉnh Hà Nam.
Năm 2024, dự kiến đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng sản xuất clinker và xi măng toàn quốc đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và các nhà máy cũng dự kiến chỉ đạt khoảng 70 – 75% tổng công suất thiết kế (trước năm 2022, các nhà máy thường vận hành trên 85%, thậm chí có những năm trên 95% công suất thiết kế). Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn.
Trước tình hình đó, tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa thông qua việc khuyến khích sử dụng xi măng làm cao tốc, cầu cạn ở những vùng có địa hình đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long, một số khu vực tại miền Trung, miền núi. Đẩy mạnh việc gia cố nền đường bằng xi măng – đất thay thế cho công nghệ truyền thống đắp nền cao tốc bằng đất, cát hiện nay để tăng tuổi thọ công trình.
Cũng như các ngân hàng giãn nợ vay đầu tư, giảm lãi suất cho các DN xi măng, tăng hạn mức vay vốn lưu động, không khuyến khích đầu tư FDI vào ngành xi măng vì DN trong nước đã làm chủ được công nghệ.
Về phía Bộ Xây dựng, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước rất lớn, trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng lại rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Nếu không có giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, nhiều DN xi măng sẽ phá sản.
Bộ Xây dựng lý giải, năm 2017, Luật Quy hoạch có hiệu lực đã bãi bỏ các Quy hoạch sản xuất, trong đó có sản phẩm xi măng, từ đó việc đầu tư các dự án sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng dư thừa công suất sản xuất xi măng trên toàn quốc có hiện tượng tăng cao, dẫn đến khó kiểm soát tình hình cung cầu xi măng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch sửa đổi trong thời gian tới.
Tổng mức đầu tư ngành xi măng Việt Nam ước tính theo giá trị hiện đã lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất vượt số này nhờ tăng tỷ lệ phụ gia.
Nguồn: nguoiquansat.vn
The post Ngành xi măng tìm cách gỡ khó first appeared on Ximang.org - Diễn đàn xi măng Việt Nam.